Bệnh gỉ sắt gây ảnh hưởng như thế nào đến cây cà phê?

Bệnh gỉ sắt gây ảnh hưởng như thế nào đến cây cà phê?

Ngân Thảo
Th 4 12/06/2024
Nội dung bài viết

Cà phê là một trong những cây công nghiệp lâu năm quan trọng của Việt Nam. Vào năm 2023, tổng diện tích trồng cà phê trên cả nước khoảng 600.000 ha, trong đó các tỉnh ở Tây Nguyên chiếm phần lớn diện tích trồng cả nước.

Tuy nhiên, cây cà phê thường xuyên mắc bệnh làm giảm năng suất như bệnh thán thư, bệnh héo rũ cà phê, ... Trong đó, bệnh gỉ sắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế ngành cà phê.

Bài viết dưới đây sẽ nêu lên ảnh hưởng của căn bệnh này và đưa ra các phòng tránh hiệu quả.

1. Bệnh gỉ sắt - nỗi ám ảnh của người trồng cà phê

Bệnh gỉ sắt cà phê có tên gọi khác là bệnh rỉ sét, do nấm Hemileia vastatrix gây ra - một loại nấm ký sinh chỉ sống được trên cây cà phê. Lần đầu tiên nước ta ghi nhận sự xuất hiện của bệnh gỉ sắt trên cây cà phê Arabica vào năm 1890, sau khi các nhà truyền giáo người Pháp đem gieo trồng giống cây này.

2. Hiểu rõ về các yếu tố gây bệnh gỉ sắt trên cây cà phê

Bệnh gỉ sắt có sức tàn phá lớn lên cây cà phê. Vì chúng tác động trực tiếp lên toàn thân cây trong khoảng thời gian ngắn. Loài nấm Hemileia Vastatrix có chứa tới 45 loài riêng biệt, xuất hiện chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới châu Phi, châu Á.

Nấm Hemileia vastatrix là loài nấm ký sinh trên cây cà phê và lấy đi dưỡng chất của cây. Khi bào tử đậu trên lá, nó sẽ chờ đến khi điều kiện thích hợp (nhiệt độ 21 – 25 độ C, độ ẩm 80 – 90%) để phát triển và dần xâm nhập vào cây cà phê. 

Khi điều kiện thuận lợi thì các bào tử nấm sản sinh rồi tạo thành những đốm tròn, màu vàng hoặc cam dưới mặt lá – gọi là gỉ sắt. Các bào tử nấm này rất nhỏ nên có thể dễ dàng di chuyển trong nước, mưa và không khí. Vì vậy, bào tử dễ dàng lây từ cây cà phê  này sang cây cà phê  khác nhờ gió, côn trùng hoặc trong quá trình chăm sóc cây. 

3. Dấu hiệu cho thấy cà phê đang bị gỉ sắt

Khi cây bị nhiễm bệnh, dấu hiệu đầu tiên ta có thể nhận thấy có những đốm tròn nhỏ màu vàng nhạt xuất hiện ở mặt dưới của lá. Những đốm tròn này về sau sẽ lớn dần và có đường kính trung bình 2 - 3mm. 

Ngoài ra, trên mặt lá sẽ bị phủ lớp phấn màu vàng da cam do những bào tử nấm gây ra. Dần dần, các bào tử này sẽ biến mất và để lại trên mặt lá những đốm bệnh màu nâu như cháy lá. 

Trên một chiếc lá có thể xuất hiện nhiều vết đốm bệnh. Khi phát triển mạnh, các đốm bệnh này sẽ liên kết với nhau tạo thành vết bệnh lớn. Dần dần lá cà phê sẽ chuyển sang màu vàng và rụng hàng loạt trong thời gian ngắn, cành khô héo và cây bị giảm khả năng sinh trưởng và phát triển. 

4. Tác động của bệnh gỉ sắt đối với chất lượng và giá trị dinh dưỡng của cây cà phê

Bệnh gỉ sắt trên cây cà phê gây rụng lá, ảnh hưởng quá trình hô hấp, quang hợp và hấp thụ ánh nắng mặt trời. Vì cây bị giảm diện tích lá nên khả năng trao đổi chất sẽ giảm theo, từ đó cản trở quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường. 

Bệnh còn làm cành khô héo và gây biến chất hạt cà phê. Khi sức khỏe cây cà phê suy yếu cũng là lúc cây dễ dàng bị tấn công bởi các sâu bệnh gây hại khác. Vì vậy, cây không thể cho năng suất và chất lượng hạt như người trồng mong đợi. 

5. Bí quyết bảo vệ lá cà phê khỏi gỉ sắt

Vì bệnh gây ra thiệt hại về kinh tế lẫn năng suất cây cà phê nên nhà vườn trang bị cách thức phòng tránh và có những cách thức điều trị bệnh hiệu quả.

5.1 Biện pháp phòng ngừa

Phương thức canh tác

  • Bảo đảm vườn cây thông thoáng, không ẩm ướt, cân bằng lượng nước tưới tiêu cho cây cà phê

  • Bón phân hợp lý để giúp cây phát triển. Người trồng nên sử dụng phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ để cung cấp nhiều dưỡng chất cho cây

  • Trong suốt quá trình chăm sóc cây, cần thường xuyên cắt tỉa cành để tạo độ thông thoáng để giúp cây quang hợp tốt

Biện pháp sinh học 

  • Chọn giống kháng bệnh: đây là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả về môi trường và kinh tế. Vào năm 1911, Ấn Độ đã chọn ra giống gen Kent có khả năng kháng bệnh gỉ sắt trên lá cà phê. Nhưng sau đó giống gen này mất dần hiệu quả. Thay vào đó, người dân cần chọn giống cây kháng bệnh gỉ sắt tốt như TR4, TR5, TR9, ... 

  • Ghép chồi vô tính với những giống cây cho năng suất cao và có khả năng kháng bệnh tốt

Biện pháp hóa học 

  • Sử dụng các loại phân bón hóa học phù hợp vào đầu mùa mưa và những loại thuốc gốc đồng khác để tăng đề kháng cho cây.

  • Nên phun thuốc phòng bệnh từ 2 - 3 lần trên toàn bộ mặt lá.

5.2 Biện pháp điều trị

Khi bắt đầu phát hiện dấu hiệu nhiễm bệnh, người trồng cây cần sử dụng đúng liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất hóa học như: Diniconazole, Hexaconazole, Propiconazole, ... để duy trì sự phát triển của cây. Ngoài ra, nhà vườn cũng nên loại bỏ cây cà phê bị nhiễm bệnh nặng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh sang những cây khỏe mạnh.

Trên đây, Phương Vy Coffee đã gửi đến bạn đọc chiến lược phòng trừ và kiểm soát bệnh gỉ sắt trên cà phê. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả và có thể đảm bảo được năng suất cây trồng. Áp dụng các biện pháp phòng trừ một cách khoa học và kiên trì sẽ giúp bạn bảo vệ vườn cà phê của mình khỏi tác hại của bệnh gỉ sắt.

Nguồn: Tham khảo từ Internet

Nội dung bài viết