Chiến lược phòng tránh và kiểm soát bệnh khô quả khô cành trên cây cà phê

Chiến lược phòng tránh và kiểm soát bệnh khô quả khô cành trên cây cà phê

Ngân Thảo
Th 4 12/06/2024
Nội dung bài viết

Cà phê là cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế tại Việt Nam. Theo tổng cục Hải quan, từ tháng 1/2023 đến tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng mạnh từ hơn 300 triệu USD lên đến gần 700 triệu USD. Tuy nhiên, ngành sản xuất cà phê cũng chịu thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Trong đó, bệnh khô quả khô cành đe dọa đến sự phát triển và hiệu quả kinh tế cây cà phê.

Bài viết sau đây sẽ đưa ra chiến lược phòng tránh và kiểm soát căn bệnh này.

1. Cây cà phê và hiểm họa từ bệnh khô cành khô quả

Bệnh khô quả khô cành cà phê còn có tên gọi khác là bệnh thán thư. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa và gây ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cây trồng. Bệnh gây thành dịch trên cây cà phê ở Ấn Độ vào năm 1928, ở Kenya năm 1960 làm giảm năng suất cây trồng đến 50%. Tại Việt Nam, bệnh khô quả khô cành lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1930 và ghi nhận mức độ nhiễm bệnh nặng nhất 51.4% trên cây cà phê chè và là nguyên nhân gây rụng quả trước khi chín.

2. Nguyên nhân gây bệnh khô quả khô cành

Bệnh khô quả khô cành cà phê là loại bệnh mà người trồng cà phê thường gặp phải. Bệnh do loài nấm Colletotrichum, Botryodiplodia, và Lasiodiplodia gây ra. 

Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa khi thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho bào tử nấm phát triển, đặc biệt nhiệt độ dưới 20 độ C tạo môi trường lý tưởng cho nấm phát triển mạnh. Chúng làm hỏng cành và quả cà phê đồng thời gây ra triệu chứng khô cành và làm cây mất nước. Bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn cây cà phê ra hoa và quá trình ủ bệnh thường kéo dài từ 4 đến 6 tuần. 

Bên cạnh đó, các vườn cà phê có mật độ cây trồng dày đặc, thừa phân đạm, nhiều cỏ dại và ẩm ướt thường đối mặt với tình trạng bệnh khô quả khô kéo dài. Ngoài ra, một số vi khuẩn như Pseudomonas syringea, P. garcae, hoặc tình trạng khô cành sinh lý (còn gọi là bệnh dieback) cũng có thể dẫn đến bệnh thán thư. 

3. Bệnh thán thư trên cây cà phê có biểu hiện gì? 

Bệnh thường xuất hiện trên quả, cành và lá cà phê nhưng gây thiệt hại nặng nhất trên quả. Bệnh làm khô quả khô cành, dẫn đến cây mất nước và chết cây. Thông thường, bệnh bắt đầu từ những chấm nhỏ màu nâu trên vỏ quả gần cuống, sau đó lan ra khắp vỏ quả và làm quả chuyển sang màu nâu sẫm. Ở phần bệnh trên quả sẽ bị lõm sâu đồng thời vết bệnh ăn sâu vào bên trong quả,  làm quả đen sau đó rụng. 

Khi mắc bệnh, cành cây cà phê sẽ xuất hiện những đốt nhỏ màu nâu vàng ở giữa cành, sau một thời gian chúng chuyển sang màu nâu sẫm. Vết bệnh lan ra khắp chiều dài của đốt và lõm xuống. Bệnh thường tập trung vào các cành nhỏ đang phát triển dần dần lan ra các cành lớn và cả thân cây, làm cho phần nhiễm bệnh chuyển thành màu nâu đen, lá rụng, cành khô và chết.

Bệnh cũng gây ra nhiều đốm nâu tròn trên lá, sau đó những đốm này lan rộng ra khắp bề mặt lá thành các vòng tròn đồng tâm. Khi cây trở bệnh nặng, các vết bệnh có thể liên kết tạo thành các mảng khô và dần chuyển sang màu nâu sẫm hoặc màu đen. 

4. Ảnh hưởng của bệnh khô quả khô cành đến cây cà phê 

Cây cà phê khi mắc bệnh sẽ làm quả bị thối đen và mất đi lớp nhân bên trong. Nếu cây bị bệnh nặng thì trái sẽ rụng trước mùa thu hoạch làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, cây nhiễm bệnh sẽ làm cành khô héo, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và có thể dẫn đến khô cành cà phê trên diện tích lớn và chết cây trên diện rộng. 

Đối với cây cà phê bị nấm bệnh tấn công làm lá mất khả năng quang hợp và rụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cây trồng. 

5. Chủ động phòng tránh bệnh khô quả để nâng cao năng suất cà phê

Vì bệnh gây ra thiệt hại về kinh tế lẫn năng suất cây cà phê trong những vị mùa sắp tới nên người trồng cây cần có chiến lược phòng tránh và có những cách thức điều trị bệnh hiệu quả. 

5.1 Biện pháp phòng ngừa

Biện pháp canh tác:

  • Trồng cà phê với mật độ phù hợp nhằm đảm bảo thông thoáng để cây phát triển tốt và hạn chế nguyên nhân gây ra môi trường ẩm ướt vào mùa mưa. 

  • Sử dụng giống cà phê khỏe mạnh, cho năng suất cao và có khả năng kháng bệnh tốt. 

  • Vào mùa mưa, thường xuyên dọn dẹp cỏ trong vườn và cắt tỉa cành bệnh

Biện pháp sinh học:

  • Tránh sử dụng phân bón thừa đạm làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. 

  • Sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma để diệt nấm bệnh và tăng cường sức đề kháng cho cây. Vì chủng nấm Trichoderma có tác dụng tiêu diệt nấm khô cành, làm cho nấm hại teo đi và chết. Bên cạnh đó nấm Trichoderma còn sinh ra kháng thể giúp phòng trừ bệnh. 

Biện pháp hóa học

  • Có thể phun các thuốc trị nấm, thuốc trừ vi khuẩn, đặc biệt là thuốc có  gốc đồng gốc bạc để phòng bệnh vào đầu mùa mưa hoặc trong suốt mùa mưa. 

  • Tùy theo lượng mưa nhiều hay ít mà phun thuốc. Thông thường người trồng cây nên phun thuốc 2-4 lần mỗi năm.

5.2 Biện pháp điều trị 

Sử dụng các thuốc đặc trị bệnh khô quả khô cành cà phê chứa các loại chất sau: Albendazole, Azoxystrobin, Difenoconazole, … Để tăng hiệu quả của thuốc, người trồng cây nên chọn ngày mát trời, lặng gió, phun tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 15 ngày. Thời điểm thích hợp để phun thuốc là vào đầu mùa mưa để hạn chế sự phát triển của nấm gây bệnh thán thư trên cây cà phê.

Trên đây, Phương Vy Coffee đã gửi đến bạn đọc chiến lược phòng trừ và kiểm soát bệnh khô quả khô cành trên cây cà phê. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả để đảm bảo năng suất cây trồng.

Nguồn: Tham khảo từ Internet

Nội dung bài viết