So sánh điểm khác biệt giữa cà phê Robusta và Arabica? Đâu là những điều bạn nên biết?

So sánh điểm khác biệt giữa cà phê Robusta và Arabica? Đâu là những điều bạn nên biết?

PV Coffee
Th 5 14/03/2024
Nội dung bài viết

Liệu rằng Arabica - Robusta có điểm khác biệt như thế nào? Nếu bạn là một người có niềm đam mê với cà phê thì ít nhất một lần trong đời bạn đã gặp phải câu hỏi này. Có đến hơn 100 dòng cà phê khác nhau trồng trên toàn cầu, nhưng Arabica và Robusta lại chiếm gần 95% sản lượng cà phê trồng và dùng tại thế giới. 

Vậy điểm khác nhau giữa chúng như thế nào, cùng đọc ngay bài viết này để hiểu rõ.

1. Nguồn gốc lịch sử của cà phê Robusta và cà phê Arabica

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nguồn gốc và sự phát triển của cà phê đã phát triển thành nhiều câu chuyện khác nhau và vô cùng đa dạng. Khi nói đến lịch sử của cà phê Arabica ta cần phải trở về năm 850 sau Công nguyên tại Ethiopia, đây được xem là nơi con người lần đầu phát hiện cây cà phê dại (Coffea Arabica), một loài thực vật bản địa của khu vực này. 

Nếu so sánh với cây cà phê Robusta, được phát hiện vào những năm 1870 tại lưu vực Congo, thì ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự chênh lệch vô cùng lớn về nguồn gốc và thời gian phát hiện. Tuy rằng điều này khiến việc so sánh lịch sử của cả 2 giống cây cà phê trở nên vô cùng khó khăn nhưng ta có thể khẳng định rằng cả hai loài cà phê này đều có nguồn gốc từ những khu rừng xích đạo tại Châu Phi. Nếu bạn chưa biết thì cây cà phê và Homo Sapiens (con người) đều có nguồn gốc phát triển và tiến hóa dài đằng đẵng.

Từ lâu, nhiều người đã xem Robusta là anh/em cùng họ (thiến thảo) với Arabica. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thực tế Robusta mới thực sự là cha/mẹ của Arabica. Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp phân tích trình tự gen của các loài thuộc giống cà phê và phát hiện được nguồn gốc thật sự của cà phê Arabica. Tại một khu vực nào đó ở miền nam Suan, loài Coffea Canephora đã lai với một loài khác mang tên Coffea Eugenioides và sinh ra dòng Coffea Arabica.

Một khoảng thời gian dài sau khi cây cà phê Arabica được rộng rãi trồng trọt, mãi đến những năm 1800, người ta mới phát hiện được Robusta tại vùng Tây Phi, đồng thời chính là một loài cây bản địa tại vùng rừng nhiệt đới ven hồ Victoria, Uganda. Ngày nay, Robusta và Arabica đã trở thành hai giống cà phê được canh tác và sử dụng phổ biến trên toàn cầu. 

Dù vậy, một lượng rất lớn Robusta được lưu thông trên thị trường thế giới đều được canh tác và thu hoạch từ khu vực Trung và Tây Phi, bộ phận Đông Nam Á, nhất là Ấn độ, Indonesia và Việt Nam. Trong khi đó, Arabica lại được trồng trọt rộng rãi hơn, khoảng 70% diện tích canh tác toàn cầu, và tập trung phân bố ở khu vực Đông Phi, Trung và Nam Mỹ.

Dù vậy, nếu xét về khía cạnh lịch sử, Arabica lại là giống cây trồng khởi đầu của hoạt động canh tác cà phê trên toàn cầu. Vào thế kỷ 9, các bụi cây Arabica hoang dã đã được tìm thấy rộng rãi trong khắp các khu rừng mưa tại Ethiopia. Cho đến thế kỷ thứ 15 – 16, các hạt giống cà phê Arabica đã nhanh chóng vượt qua Biển Đỏ và cập bến các nước láng giềng Ả Rập. Ngay sau đó, các hạt cà phê đã theo bước của người Hà Lan, theo các chuyến hải trình và đi khắp thế giới chỉ trong vài thế kỷ.

2. Đặc điểm sinh thái học giữa Robusta và Arabica

Đầu tiên, các loại cây cà phê nói chung đều ưa thích sinh trưởng trong môi trường có khí hậu ôn hòa và hơi ẩm ướt. Do chúng khá nhạy cảm với sự đổi đổi nhiệt độ nên vô cùng dễ bị đóng băng khi khí hậu trở lạnh. Việc này có thể dẫn đến thiệt hại vô cùng nhanh chóng trên phạm vi rộng và còn có khả năng diễn ra trong thời gian dài.

2.1 Đặc điểm về sinh học

Xét đến vấn đề sinh thái học, thông thường cây cà phê Arabica với chiều cao từ 2,5m – 4,5m sẽ hơi lùn hơn so với cây cà phê Robusta với chiều cao 4,5m – 6,5 m. Ngoài ra, hạt của cả hai loại cà phê có điểm khác nhau về phương diện cấu trúc hạt. Các hạt cà phê Arabica nhìn chung đều có hình elip, thuôn và dài, trong khi đó hạt cà phê Robusta lại có hình dạng tròn và nhỏ hơn. Chính sự khác biệt về cấu trúc hạt như vậy cũng khiến các loại cà phê khác nhau sẽ cần phải áp dụng những kỹ thuật rang khác nhau. 

Đối với vấn đề năng suất, trung bình mỗi mùa vụ một cây cà phê Arabica thông thường có thể cho ra từ 1 – 5kg hạt, trong khi cây cà phê Robusta có thể mang lại gấp đôi. Do đó, trên cùng một diện tích trồng trọt, chi phí trồng Arabica sẽ tốn kém hơn nhiều so với chi phí trồng Robusta.  Tuy nhiên, con người không ngừng lai tạo và cho ra mắt các giống Arabica mới, một vài giống trong số chúng còn có thể mang lại năng suất vô cùng cao.

2.2 Đặc điểm về sinh thái

Hai giống cà phê Arabica và Robusta đều được phát hiện chủ yếu tại những khu vực gần đường xích đạo, tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới – nơi thường được nhắc đến với cái tên vành đai cà phê (giữa 23oN và 23oS). Thế nhưng, cả hai loài cà phê này lại có những đặc điểm phân hóa rõ rệt đối với môi trường sinh trưởng. 

Cây cà phê Robusta có môi trường phát triển phù hợp trải dài từ khu vực Trung Phi đến Uganda và vịnh Guinea. Do hạt Robusta có khởi điểm từ rừng mưa xích đạo nên chúng sẽ phát triển khỏe mạnh tại các vùng đất thấp từ 250 – 1500m, trong điều kiện nhiệt độ trung bình hàng năm rơi vào khoảng 22 – 26oC. Có thể dễ dàng thấy được lãnh thổ bản địa của loài Robusta trải dài và băng qua nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Trong khi đó, lãnh thổ của loài Arabica nhìn có vẻ khá hạn chế. Cây Arabica hoang dã thường được tìm thấy tại các khu vực rừng mưa nhiệt đới ở cao nguyên Boma (Nam Sudan) và Ethiopia, trong điều kiện độ cao 1200 – 1950m, và điều kiện nhiệt độ trung bình hàng năm rơi vào khoảng 18 – 21oC.

Không chỉ thế, mô hình lượng mưa của khu vực cũng tác động rất lớn đến sự trinh trưởng và chu kỳ ra hoa của các giống cà phê. Arabica chủ yếu phát triển ở những khu vực có lượng mưa theo mùa khoảng 1100 – 2000 mm mỗi năm. Sở hữu bộ rễ sâu cho phép chúng có thể sinh tồn ngay cả trong điều kiện đất nông và khô. 

Thông thường, nếu được sinh trưởng trong điều kiện hợp lý, Arabica sẽ ra hoa kết quả sau 4 năm canh tác, và mỗi chu kỳ ra hoa cần thu hoạch trong vòng 9 tháng. Trái lại, Robusta thường được trồng ở các khu vực có thời tiết không ổn định và yêu cầu lưu lượng mưa lớn hơn, khoảng 1200 – 2500mm mỗi năm. Chúng chỉ cần 2 năm để ra hoa nhưng mỗi chu kỳ hoa lại cần 10 – 11 tháng để thu hoạch.

3. Sự khác biệt về thành phần của cà phê Robusta và Arabica

Để hiểu rõ hơn sự khác biệt về hương vị giữa hai loại cà phê Arabica và Robusta, ta có thể bắt đầu bằng việc tìm hiểu về thành phần cấu tạo của hạt của mỗi giống cà phê. Điển hình chính là chất béo, đường và axit, đây là những nhóm chất chính quyết định hương vị của cà phê sau khi rang.

3.1 Đường và Lipids

Thành phần lipit có trong hạt Arabica chiếm hơn 60% và có lượng đường gần như là gấp đôi so với Robusta. Ngoài ra, những loại đường này là những tiền chất quan trọng trong quá trình rang, hỗ trợ tạo nên một vài hợp chất thơm trọng yếu, góp phần không nhỏ tạo nên hương vị tổng thể. Đây cũng chính là lý do khiến Arabica có thể tạo nên một cốc cafe có hương vị đậm đà và có kết cấu phức tạp hơn so với Robusta.

Thế nhưng, Robusta cũng có thế mạnh riêng. Với hàm lượng dầu thấp (10 – 11,5%), Robusta mang lại sự ổn định của lớp crema khi pha chế Espresso tốt hơn nhiều. Do lớp bọt màu vàng óng ánh – được cho là tiêu chuẩn của Espresso, mà hạt Robusta mang đến là kết quả của nhiều bong bóng CO2 nhỏ hòa tan với các giọt chất béo (và rất nhiều các hợp chất hữu cơ khác) trong nước. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều chất béo, lớp bọt sẽ nhanh chóng tan rã. Do đó, khi sử dụng Robusta kết hợp với Arabica ta sẽ nhận về chiết xuất Espresso chất lượng cao hơn rất nhiều so với thông thường.

3.2 CGA và Caffeine

Vị đắng đặc trưng của cà phê được quyết định chủ yếu bởi hai thành phần Caffeine và Axit Chlorogenic (CGA). Do thực tế hàm lượng Caffeine và CGA có trong Robusta nhiều hơn gấp đôi nên nó sẽ có vị đắng hơn rất nhiều so với Arabica. 

Ngoài ra, hàm lượng Caffeine và CGA cao còn giúp Robusta chống lại nhiều loại bệnh và vi nấm hoạt động ở vùng khí hậu nóng, ẩm ướt chẳng hạn như bệnh gỉ sắt. Do sức đề kháng khỏe và dễ sinh trưởng nên trồng Robusta sẽ dễ dàng hơn, nhưng cũng vì thế mà chất vị của nó kém hơn và giá thành cũng thấp hơn so với Arabica.

3.3 Hương và vị của cà phê Robusta và Arabica

Trong khi hạt Arabica thông thường có nhiều đường hơn, dẫn đến hương vị cà phê mang lại sẽ ngọt hơn. Ngoài ra, vị axit có trong hạt Arabica cũng khá cao mang đến cho cà phê mùi vị đặc trưng của mùi trái cây. Tuy nhiên, cà phê sử dụng hạt Robusta lại có hương vị mạnh và gắt hơn, đồng thời còn có mùi như hạt và socola hòa quyện với nhau. 

Nhưng khi xét về tổng thể thì hương vị cà phê mà hạt Arabica mang lại vẫn chất lượng hơn. Dù vậy, một số loại cà phê Robusta chất lượng cao được đánh giá rất ngon và có tác dụng vô cùng đặc biệt trong cà phê Espresso do chúng sở hữu hương vị đậm đà và có khả năng tạo thành lớp crema ngon.

4. Địa lý trồng trọt của giống cây cà phê Robusta và Arabica 

Cả hai cây cà phê Arabica và Robusta đều sinh trưởng tốt nhất tại những vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cận xích đạo. Tuy nhiên, chúng vẫn có những điểm khác biệt như sau.

4.1 Khu vực trồng Arabica

Những hạt Arabica ngon nhất thường được tìm thấy tại những quốc gia như Ethiopia, Colombia, Ấn Độ, Guatemala và Brazil – đồng thời là những quốc gia có sản lượng cà phê Arabica lớn nhất thế giới. Cây cà phê Arabica phát triển khỏe mạnh ở vùng đất cao nên chúng thường được trồng trên sườn đồi. 

4.2 Khu vực trồng Robusta

Ngược lại, Robusta lại ưa thích những vùng đất thấp nên chúng thường được canh tác tạo các vùng trũng hoặc đồng bằng. Vì thế nên chúng thường được trồng ở Châu Phi, Châu Á và Ấn Độ.

5. Lời kết

Mỗi người sẽ có mỗi gu và cá tính hoàn toàn khác biệt nhau, nên Arabica và Robusta cũng tương tự vậy. Đây là hai cá tính với hai trải nghiệm hoàn toàn độc đáo và khác biệt. Nhưng khi chúng kết hợp thì lại rất hài hòa, mỗi lúc sẽ mang đến một phong cách, mỗi giai đoạn mang lại các cảm nhận rất riêng. Nét riêng biệt đến mức khó phai, tuy nhiên đó lại là một sự hài hòa ở cùng một tổng thể giúp người dùng có được các cảm nhận mới mẻ.

Nguồn: Tham khảo từ Internet

Nội dung bài viết