Giống cà phê nào phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại Việt Nam?

Giống cà phê nào phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại Việt Nam?

Ngân Thảo
Th 6 24/05/2024
Nội dung bài viết

Theo như Tổ Chức Cà Phê Quốc tế cho biết thì Việt Nam hiện nay là quốc gia đứng thứ hai chỉ sau nước Brazil về sản lượng xuất khẩu cà phê ra thị trường quốc tế. Có thể thấy, các giống cà phê đã góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng và thành công trong ngành cà phê tại Việt Nam. Hiện tại, có hai loại giống cà phê chính đó là Arabica và Robusta, còn lại một phần nhỏ là giống cà phê Mít.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về những giống cà phê thích hợp trồng với khí hậu và thổ nhưỡng tại Việt Nam hiện nay.

 

1. Giống cà phê cơ bản phù hợp canh tác tại Việt Nam

1.1. Giống cà phê Arabica

Cà phê Arabica là một trong hai dòng cà phê được trồng phổ biến trên toàn cầu. Quả cà phê có hình bầu dục với 2 nhân, hàm lượng caffein trong hạt tỷ lệ 1 - 2%. Với hương vị tinh tế và đặc biệt, Arabica được xem là một trong số các dòng cà phê cao cấp và được ưa chuộng trên khắp thế giới.

Arabica mang lại một trải nghiệm thú vị khi thưởng thức món cà phê đặc biệt, bởi hương thơm phức tạp, vị cực kỳ nhẹ nhàng và độ axit được cân bằng. Đặc điểm nổi bật Arabica chính là sự tinh khiết và sự êm dịu bên trong mùi vị, điều đó giúp tạo nên một tầng hương rất tinh tế và sự cân bằng hài hòa bên trong tách cà phê.

Cây trưởng thành thường chiều cao khoảng 4 đến 6m, nếu mọc hoang dại thì có thể cao đến 15m. Cây Arabica có tán lớn, lá cây nhỏ hình ô van và màu sắc xanh đậm. Cà phê Arabica cho quả từ giai đoạn năm thứ 3 sau thời điểm trồng, cây trên 25 năm tuổi thì bị coi là già cỗi và cần được thay thế.

Hạt Arabica được trồng lý tưởng ở nơi sở hữu đất có độ dốc dưới 200. Độ xốp của đất phải trên 60% cùng với tầng đất dày phải trên 70 cm. Hàm lượng lớp mùn đất phải đạt trên 2,5%. Ngoài ra, chúng phù hợp với độ cao trong khoảng 1000 - 1500m so với mực nước biển. Bên cạnh đó, lượng mưa yêu cầu trung bình đạt từ 1200 - 1900 mm và có nhiệt độ trong khoảng 15 - 24 độ C. Đặc biệt yêu cầu có mùa khô hạn ít nhất 2 tháng.

Việt Nam với khí hậu lạnh và nguồn đất đai lý tưởng, đã trở thành một trong số các khu vực trồng cà phê Arabica cực kỳ nổi tiếng. Đặc biệt, trên vùng cao nguyên như Lâm Đồng, Daklak, Sơn La là các khu vực nổi tiếng trong hoạt động sản xuất giống cà phê Arabica chất lượng cao. Cây cà phê Arabica trồng ở những vùng đất này được hưởng đầy đủ các yếu tố về môi trường, độ cao, nhiệt độ, đất phù sa giàu dinh dưỡng, từ đó tạo ra các hạt cà phê đảm bảo về cả chất lượng lẫn hương vị đặc trưng, phong phú.

1.2. Giống cà phê Robusta

Cà phê Robusta là có tên khoa học Coffea Canephora. Đây là một trong số hai loại cà phê chính trên thế giới và được trồng ở nhiều nơi trên toàn cầu. Việt Nam được biết đến là một trong các vùng trồng cà phê Robusta nổi tiếng trên thế giới. Những điều kiện tự nhiên và khí hậu tại Việt Nam đã cung cấp môi trường lý tưởng cho cây cà phê Robusta có thể phát triển, tạo nên các hạt cà phê đậm đặc và thơm ngon.

Robusta thích hợp được trồng ở nơi nhiệt đới gió mùa. Đối với cà phê Robusta thì có ít yêu cầu về khu vực trồng hơn, chỉ cần nhiệt độ đảm bảo từ 24 - 26 độ C và có độ ẩm cao với lượng mưa trên 2000mm/ năm. Cây thuộc dạng thân gỗ, nếu để chúng sinh trưởng tự nhiên có thể đạt độ cao 10m. Lá của cà phê Robusta to trung bình, chiều dài khoảng 15 - 20cm, hình oval và có màu xanh đậm, tán lá xung quanh cây thường nhỏ. Quả Robusta hình tròn và có 2 nhân nhỏ hơn khi so với cà phê Arabica và cà phê Mít.

Người trồng có thể thu hoạch quả Robusta sau khi trồng được 3 - 4 năm, tuổi thọ của cây có thể lên đến 30 năm, tuy nhiên năng suất sẽ giảm dần từ thời điểm năm thứ 20 - 25 trở đi. Ngoài ra, mức giá bán của Robusta thường sẽ thấp hơn cà phê Arabica.

Hương vị cà phê Robusta thông thường khá mạnh mẽ và đậm đà, vị đắng pha cùng một chút vị chát đặc trưng. Điểm nổi bật chính là có hàm lượng caffeine cao hơn dòng cà phê Arabica chiếm từ 3 - 4%, mang đến cho người dùng một trạng thái tỉnh táo và ngập tràn năng lượng.

Phần lớn cà phê Robusta được trồng nhiều tại các vùng cao nguyên như DakLak, Gia Lai, Buôn Ma Thuột. Đối với khu vực Daklak, nằm trong vị trí trung tâm Tây Nguyên, được xem là "thủ phủ" của ngành cà phê Việt Nam. Sở hữu nguồn đất phù sa màu mỡ, kết hợp khí hậu nhiệt đới, và lượng mưa phùn quanh năm, Daklak đã trở thành một nơi trồng cà phê Robusta cực kỳ nổi tiếng. Ngoài ra, Buôn Ma Thuột cũng nổi tiếng với nguồn cà phê Robusta ngon đậm đà và sở hữu hương thơm đặc trưng. 

1.3. Giống cà phê Mít

Cà phê Cherry hoặc còn được gọi với một cái tên khác là cà phê Mít. Đây là một dòng cà phê độc đáo và khá đặc biệt. Cây cà phê Mít sở hữu chiều cao lý tưởng tầm khoảng 2m đến 5m, chúng sẽ cần đến 4 năm mới có thể thu hoạch quả và thời gian trồng sẽ kéo dài 30 đến 40 năm. 

Cây thuộc dạng thân gỗ, thông thường sẽ hãm ngọn ở độ cao khoảng 4 đến 6m, nhưng nếu để mọc tự nhiên có thể cao đến 15m. Nhìn từ đằng xa cây sẽ có tán lá rộng to giống như cây mít. Quả cà phê Mít có hình bầu dục, bên trong thông thường chỉ có một nhân duy nhất. Vị chua nên thường sẽ hợp với sở thích của các nước Châu Âu.

Dòng cà phê mít có đặc tính chịu hạn được tốt và có khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Tuy nhiên, dòng cà phê Cherry sẽ có một vài hạn chế chẳng hạn như năng suất kém nên sẽ không được ưa chuộng quá rộng rãi. Chính điều đó dẫn đến diện tích trồng cà phê Cherry sẽ không lớn và sản lượng cây cà phê Cherry hằng năm cũng chỉ chiếm phần nhỏ trên thế giới.

Hiện nay, thị trường có hai giống cà phê Cherry bao gồm Liberia và Excelsa. Cả hai giống cà phê này đều có vị chua đặc trưng riêng. Tuy nhiên, về mặt sinh học thì cà phê Liberia sẽ có độ cao phát triển và lá dài hơn. 

Đối với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là môi trường thích hợp với dòng cà phê Mít. Tại Việt Nam, giống cây cà phê Cherry sẽ trồng chủ yếu tại những khu vực Nghệ An, Gia Lai và Kon Tum. Bởi những vị trí này thích hợp cho hoạt động trồng cây công nghiệp, và quá trình trồng cà phê Cherry nơi đây được sắp xếp để giúp tối ưu hóa diện tích. Dù giống cà phê Cherry không quá phổ biến như cà phê Robusta hay Arabica, nhưng chúng vẫn được dùng làm gốc để ghép và cũng là một thành phần trong việc trộn cà phê Robusta hoặc cà phê Arabica, tạo thành nhiều hương vị khác nhau.

2. Lời kết

Thông qua nội dung chia sẻ từ bài viết này, chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ có được một cái nhìn tổng quan hơn về các cà phê phổ biến tại thị trường Việt Nam như Arabica, Robusta và cả Cherry. Nếu như bạn là một người có đam mê lớn với cà phê thì có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin thú vị về các loại cà phê nổi tiếng ở Việt Nam.

Nguồn: Tham khảo từ Internet

Nội dung bài viết