“TẤT TẦN TẬT” VỀ CÀ PHÊ ROBUSTA – CÀ PHÊ ROBUSTA LÀ GÌ?
Ngân Thảo
Th 2 18/12/2023
Nội dung bài viết
Cà phê không chỉ là một đồ uống quen thuộc hằng ngày của người dân thế giới nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Đây còn là một phần của lối sống, của văn hóa thưởng thức giúp kết nối con người với nhau qua từng hương vị.
Mặc dù cà phê không còn quá xa lạ với con người Việt Nam, nhưng bạn đã biết gì về giống cà phê Robusta đặc trưng ở Việt Nam hay quá trình chế biến ra được một ly cà phê thành phẩm chưa? Hãy theo dõi bài viết CÀ PHÊ ROBUSTA LÀ GÌ? NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH VỀ CÀ PHÊ ROBUSTA để hiểu rõ hơn nhé!
1. CÀ PHÊ ROBUSTA LÀ GÌ?
Cà phê Robusta (cà phê Vối) là tên gọi đặc trưng của dòng Coffea canephora có từ lâu đời được trồng phổ biến trên thế giới. Ngoài ra, Coffea canephora còn có một dòng phổ biến khác được trồng chủ yếu ở Brazil là Conilon. Chính vì thế, cà phê Robusta hay Conilon không phải là những giống riêng lẻ mà đây là những giống khác nhau thuộc nhóm Coffea canephora.
Mặc dù cà phê Robusta có khả năng phát triển nhanh, chịu được điều kiện khắc nghiệt, dễ dàng chăm sóc hơn cà phê Arabica, nhưng cà phê Robusta không được chú ý và chăm sóc trong quá trình sản xuất, chế biến. Bởi vì có nhận định rằng, cà phê Robusta có chi phí canh tác thấp cho ra sản lượng lớn và hàm lượng caffeine tự nhiên cao nên hương vị của Robusta sẽ kém hấp dẫn hơn so với Arabica.
2. CÀ PHÊ CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU?
2.1. Cây cà phê có nguồn gốc từ đâu?
Theo các ghi chép về nguồn gốc cây cà phê, vào năm 1671 tại vùng Kaffa (Ethiopia - Châu Phi ngày nay), một anh chàng chăn dê tên Kaldi đã vô tình phát hiện những con dê của mình có biểu hiện lạ sau khi ăn phải lá và quả của những bụi cây mọc dại gần đó. Những con dê này trở nên hiếu động hơn, chạy nhảy suốt đêm.
Vì thế, anh cho rằng những con dê của mình đã nhai loại quả giúp chúng cảm thấy tràn đầy năng lượng. Kaldi đã mang loại quả này về tu viện trong vùng, sau đó dùng cả lá và quả luộc, nướng lên rồi lấy nước uống. Khi uống loại nước này, con người cảm thấy sảng khoái, tinh thần minh mẫn và sau đó người ta sử dụng như một loại nước dùng trong các buổi lễ và các cuộc hành trình vượt sa mạc.
Câu chuyện lưu truyền từ thế kỷ thứ IX này đã được xem như một minh chứng cho việc cây cà phê có khả năng xuất hiện tại thảo nguyên Ethiopia - Châu Phi. Và từ “coffee” nghe tương tự như vùng “Kaffa” của Ethiopia, khiến cho lịch sử chấp nhận thuật ngữ cà phê bắt nguồn từ đó.
2.2. Sự xuất hiện của cà phê Robusta tại Việt Nam
Cà phê Robusta hay còn được gọi là cà phê vối cùng với cà phê Arabica là hai giống loài được trồng phổ biến nhất trên thế giới. Cà phê Robusta được phát hiện và trồng rộng rãi vào những năm 1870 tại Congo.
Đến năm 1908, người Pháp mang cà phê Robusta và giống Excelsa đến Việt Nam. Đầu tiên cà phê Robusta được trồng tại các tỉnh miền Bắc, sau khi bệnh gỉ sắt trên cây cà phê đã càn quét gần như sạch số lượng cà phê Arabica tại Srilanka (1869) và các đồn điền ở Java - Indonesia (1876). Sau quá trình trồng thử nghiệm, cà phê Robusta không phát triển tốt tại các tỉnh miền Bắc vì ở đây nhiệt độ khá thấp, không phù hợp với điều kiện sinh học của cây cà phê Robusta.
Năm 1982, cà phê Robusta được chương trình phát triển cà phê chọn để mở rộng diện tích trồng ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vì giống loài này ưa khí hậu nóng ẩm và nhất là ít bị tác hại từ sâu bệnh và đặc biệt là bệnh gỉ sắt.
2.3. Sự phân bố của cây cà phê Robusta tại Việt Nam
Cà phê Robusta tại Việt Nam chủ yếu được trồng tại khu vực Tây Nguyên, bao gồm các tỉnh như Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai. Một số vùng trồng cà phê Robusta nổi tiếng tại nước ta như Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), Cư Kuin (Đắk Lắk), Đắk Mil (Đắk Nông), Pleiku (Gia Lai), Ayun Pa (Gia Lai).
Các tỉnh ở Tây Nguyên nước ta rất thích hợp cho cây cà phê vì ở đây có đất bazan, loại đất này đã cung cấp một lượng lớn nước ngầm nhờ các trận mưa gió mùa. Ngoài ra, cà phê Robusta cũng được trồng tại Long Khánh - Đồng Nai và một vài huyện tại ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cà phê Robusta tại các khu vực này cũng cho ra hương vị đậm đà đặc trưng.
Cà phê robusta tại Việt Nam
Với năng suất cà phê của Việt Nam vượt trội hơn các quốc gia sản xuất cà phê Robusta khác trên thế giới và trong khu vực, đây là lý do Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu và sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là một bước tiến mới trong nền kinh tế của Việt Nam, làm động lực trồng trọt cho nông dân.
Tuy nhiên, dù số lượng và khả năng thích nghi, chống chọi sâu bệnh có lớn đến đâu thì khuyết điểm về chất lượng của cà phê Robusta còn kém xa so với cà phê Arabica, Robusta chỉ được xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến.
Để hiểu hơn về quá trình phát triển và giai đoạn thu hoạch cà phê, xem thêm “TẤT TẦN TẬT” VỀ CÀ PHÊ ROBUSTA – GIEO TRỒNG VÀ THU HOẠCH CÀ PHÊ
Nguồn: Tham khảo từ Internet