“TẤT TẦN TẬT” VỀ CÀ PHÊ ROBUSTA – GIEO TRỒNG VÀ THU HOẠCH CÀ PHÊ

“TẤT TẦN TẬT” VỀ CÀ PHÊ ROBUSTA – GIEO TRỒNG VÀ THU HOẠCH CÀ PHÊ

Ngân Thảo
Th 2 18/12/2023
Nội dung bài viết

Trên hành trình từ hạt cà phê giống đến lúc cây phát triển thành quả cà phê, chúng ta sẽ khám phá sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh có tác động như thế nào đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Và đặc biệt là cách mà người nông dân tận tâm chăm sóc và thu hoạch những trái cà phê như thế nào. 

Bài viết này sẽ cho bạn hiểu hành trình nảy mầm đến sự phát triển và phương pháp thu hoạch cà phê. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. QUÁ TRÌNH GIEO TRỒNG CÂY CÀ PHÊ ROBUSTA

1.1. Các giai đoạn nảy mầm của cây cà phê Robusta?

Hạt cà phê không có tính ngủ nghỉ như những loài khác nên rất nhanh chóng mất sức nảy mầm, nếu bảo quản trong nhiệt độ bình thường thì chỉ sau 4 tháng hạt cà phê đã không còn khả năng nảy mầm.

Vì vậy, để giữ được khả năng nảy mầm cao, sức sống khỏe thì sau khi thu hoạch xong cần phải được ủ ngay. Trường hợp chưa được ngâm ủ ngay thì quả cà phê phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp.

Các điều kiện bên ngoài như: nhiệt độ, nước, độ pH,... là những yếu tố tác động lớn đến khả năng nảy mầm của hạt cà phê. Nhiệt độ thích hợp để hạt cà phê nảy mầm là từ 32-35 độ C, nhiệt độ thấp hơn sẽ làm kéo dài thời gian nảy mầm.

  • Nếu trong điều kiện môi trường thuận lợi, sau 5 ngày các hạt sẽ nảy mầm. Trong quá trình nảy mầm, hoạt động hô hấp của hạt diễn ra rất mạnh, cần rất nhiều oxy vì vậy nếu môi trường có nước ứ đọng rất dễ khiến mầm cây bị chết do thiếu oxy.
  • Giai đoạn “nứt nanh”, diễn ra ở thời điểm 2 - 3 tuần sau đó. Rễ non bắt đầu nhú ra, đầu tiên là một chấm trắng xuất hiện ở cuối hạt trên mặt cong dần, sau đó thành chiếc rễ với đầu nhọn đâm thủng vỏ trấu và chui ra ngoài. 
  • Giai đoạn "đội mũ" diễn ra trong khoảng 20 - 25 ngày. Ở giai đoạn này, thân non bắt đầu vươn lên, đâm thẳng và nâng cả hạt cà phê lên khỏi mặt đất. Vào lúc này, rễ bắt đầu cắm sâu vào đất và phát triển mạnh mẽ.
  • Từ 10 - 15 ngày sau đó, lớp vỏ trấu bị tách rời và 2 mầm lá bung ra tạo thành 2 lá vỏ sò hình tròn, có đường kính từ 2 - 4cm, giai đoạn này được gọi là là giai đoạn “lá sò”. Điểm nối giữa 2 lá sò với thân là một mầm ngủ đang phát triển. Mầm ngủ này tiếp tục phát triển thành một cặp lá đối xứng đầu tiên sau 20 - 25 ngày. Từ đó, trong điều kiện môi trường thuận lợi thì sau 15 - 20 ngày lại mọc thêm cặp lá mới. 
  • Bộ rễ cũng phát triển nhanh chóng trong những tuần đầu tiên hạt nảy mầm. Rễ trụ có thể cắm sâu xuống đất tới 45 - 50m trong 12 tháng phát triển, đồng thời phát triển thành nhiều rễ ngang và rễ tơ. Đất càng tơi xốp thì lượng mùn càng cao, càng thuận lợi cho bộ rễ phát triển.  

1.2. Cây cà phê Robusta có hình dáng như thế nào?

Đặc trưng của giống cà phê Robusta là cây to khỏe, tán thưa, đốt dài, những cây trưởng thành có thể cao lên đến 4.5 - 6.5m. 

Lá của cây cà phê Robusta to dài, màu xanh đậm, hình mũi mác, đuôi lá nhọn, mép lá có gợn sóng, chiều rộng từ 10 - 15cm, dài từ 20 - 25cm. 

1.3. Các điều kiện tự nhiên nào ảnh hưởng đến cây cà phê Robusta?

Nhiệt độ là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của cây cà phê, tùy vào đặc điểm sinh thái mỗi cây sẽ có mức nhiệt độ thích hợp khác nhau. Cây cà phê Robusta vốn được phát hiện từ vùng có địa hình thấp của Congo, do đó cần có nhiệt độ cao để thích nghi và phát triển. Nhiệt độ thích hợp cho cây cà phê Robusta là từ 22 - 28 độ C.

Cây cà phê Robusta ưa khí hậu nóng ẩm, thích nghi với độ cao dưới 1.500m vì vậy cần một lượng mưa rất lớn. Có thể nói cây cà phê Robusta là giống loài chịu hạn kém nhất so với Arabica và Liberca, lượng mưa hàng năm thích hợp cho giống cà phê này là từ 2.000-2.500mm.

Độ ẩm của không khí cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây cà phê. Độ ẩm thích hợp cho cây cà phê Robusta là 80%, nếu độ ẩm cao hơn mức này sẽ làm giảm sự thoát nước của cây hoặc thấp hơn sẽ làm cây mất nước khiến cây bị héo. 

Cây cà phê Robusta thích hợp với ánh nắng dồi dào, tuy nhiên ở những vùng có ánh nắng nhiều thì cần phải có cây che bóng để điều hòa quang hợp. Điển hình như ở vùng Tây Nguyên nước ta, ánh nắng chiếu mạnh, mùa khô hạn kéo dài 5 - 6 tháng, cần phải có cây che bóng trong các vườn trồng cà phê Robusta. 

Cũng như sản xuất rượu vang, hướng và độ dốc của sườn đồi cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê. Với các hướng trồng khác nhau, lượng nắng chiếu vào ở các mùa khác nhau ảnh hưởng một phần đến hương vị của cà phê.

Cây cà phê Robusta không quá yêu cầu về hình thái đặc trưng của đất. Cây cà phê Robusta có thể được trồng trên đất cát đỏ, đất sét hoặc đất thịt nặng. 

2. Quá trình ra hoa của cây cà phê Robusta

Thông thường, cà phê sẽ ra hoa sau 2 – 3 năm sinh trưởng. 

Cây cà phê Robusta thường ra hoa vào tháng 2 hàng năm, đây cũng là mùa khô hạn trong năm nên cần có lượng nước thích hợp để tăng mức độ ra hoa. 

Hoa cà phê dù là giống loài nào thì đều có điểm chung về hình thái. Hoa cà phê có màu trắng, bao gồm 5 nhị đực và nhụy cái. Bầu nhụy chứa 2 noãn, nếu thụ tinh đúng lúc sẽ tạo ra 2 nhân cà phê hoàn chỉnh. 

Hoa cà phê

Hoa cà phê

Hoa cà phê thường nở vào sáng sớm, tầm 4 - 5 giờ sáng và nở cả ngày, đến tối sẽ bắt đầu có màu sẫm lại. Sau vài ngày thì các cánh hoa sẽ rụng dần và còn lại bầu nhụy phát triển. Cà phê Robusta thụ phấn chéo, nên việc thụ phấn sẽ phụ thuộc vào gió và ong và đặc sản mật ong hoa cà phê cũng từ đây. 

3. Quá trình kết trái của cây cà phê Robusta

3.1. Trái cà phê có cấu tạo như thế nào?

Quả cà phê thường được gọi là quả mọng, nhưng thực tế đó là quả hạch, cùng họ với các quả hạch khác như đào, mơ, mận,... và tất cả chúng được gọi chung là quả thịt.

Nếu bạn thử bóp một quả cà phê chín thì sẽ thấy được lớp vỏ ngoài và lớp ngoài của lớp trung bì trượt ra khỏi lớp bên trong rất dễ dàng. Lớp vỏ cứng bên trong hay còn được gọi là vỏ trấu chứa nhân cà phê, chất nhầy lúc này vẫn bám rất chặt trên vỏ trấu. Chất nhầy này chứa các pectin và rất giàu đường nhưng trong nó không hề chứa caffein.

Một quả cà phê hoàn chỉnh thường có hai nhân, tuy nhiên trong một số trường hợp chỉ có một nhân, những hạt này to và tròn hơn kích thước bình thường của hạt nhân thông thường. Những hạt chỉ có 1 nhân sẽ được gọi là Peaberry hay còn gọi là cà phê Culi tại Việt Nam. 

Peaberry đôi khi bị xem là một khiếm khuyết đối với quả cà phê, tuy nhiên trên thực tế giá của Peaberry cao hơn giá cà phê bình thường và các nhà rang cũng cho rằng loại này dễ rang hơn thông thường vì chúng có hình tròn và đồng đều. Peaberry đơn giản chỉ làm giảm năng suất thu hoạch của cà phê. 

3.2. Quá trình phát triển của quả cà phê 

Thời điểm từ khi cây cà phê ra hoa đến khi trái chín là khoảng từ 9 - 11 tháng. tuy có sự khác biệt về thời gian trưởng thành nhưng chung quy quá trình hình thành trái sẽ có sự giống hệt nhau và được chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn đậu quả (6 - 10 tuần)

Giai đoạn này được tính từ 6 - 10 tuần kể từ khi cây cà phê ra hoa. Sự phát triển của quả trong giai đoạn này không đáng kể nhưng chúng lại có tốc độ hô hấp khá cao. Vì vậy kích thước của quả lúc này vẫn còn khá nhỏ, theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây còn được gọi là giai đoạn “đầu đinh”. 

  • Giai đoạn 2: Giai đoạn tăng trọng (11 - 16 tuần)

Trong khoảng 10 tuần tiếp theo, tính từ tuần 6 đến tuần thứ 17 của sự phát triển, ở giai đoạn này quả tăng nhanh chóng về kích thước và trọng lượng. Thời điểm này cũng là lúc quyết định kích thước của nhân cà phê vì đây là thời điểm cuối cùng của phân chia tế bào. 

Cuối giai đoạn tăng trọng, trong khoảng 2 tuần quả sẽ duy trì kích thước và chậm lớn, quả cơ bản đã đạt được kích thước mong muốn vì vậy một số tài liệu gọi đây là giai đoạn nghỉ hoặc trì hoãn. 
Sau 17 tuần kể từ khi ra hoa thì cơ bản quả đã đạt kích thước tối đa, khi cắt ngang sẽ thấy được hai hạt đã hoàn thiện và được cuộn lại. Tuy nhiên, phần nhân (nội nhũ) lúc này chỉ mới vừa hình thành ở phần gần cuống quả.

  • Giai đoạn 3: Giai đoạn lắp đầy nội nhũ (17 - 28 tuần)

Trong giai đoạn này chất khô đã lắp đầy tế bào và lắng đọng chủ yếu trong hạt. Cuối giai đoạn lắp đầy này, phần thịt quả dày lên và một phần lớp vỏ ngoài dần chuyển sang màu đỏ. 

  • Giai đoạn 4: Giai đoạn chín (29 - 34 tuần)

Giai đoạn này gọi là giai đoạn chín muồi được xem là thời kỳ phát triển cuối cùng. Những thay đổi diễn ra trong giai đoạn này chủ yếu xuất hiện ở lớp vỏ, các sắc tố ngoài vỏ sẽ thay đổi thành vàng, đỏ hoặc hồng tùy vào từng kiểu gen. 

Giai đoạn chín, quả cà phê trở nên mềm hơn do sự phân hủy polysaccharide, protopectin ở lớp trong và lớp ngoài của trung bì được chia nhỏ thành pectin. Đến lượt pectin, chất này được chuyển thành axit pectic khi trái cây chín muồi hoặc khi lên men. 

3.3. Hạt cà phê Robusta có gì đặc biệt?

Về hình dáng, hạt cà phê Robusta có hình bầu tròn, rãnh ở giữa hạt tương đối thẳng nên đây cũng là một yếu tố để quyết định chọn kiểu rang phù hợp riêng với hạt Robusta . Hạt Robusta có màu nâu đậm và hàm lượng caffein trong hạt Robusta khá cao so với các giống cà phê khác, ở mức 2 - 2.5%. Hạt Robusta khi còn nguyên hạt thì ta sẽ cảm nhận được mùi pha chút thoang thoảng hương gỗ, hương đậm mạnh.

4. THỜI ĐIỂM VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP THU HOẠCH CÀ PHÊ ROBUSTA

4.1. Thời điểm thu hoạch cà phê Robusta

Mùa thu hoạch của cà phê Robusta ở các tỉnh Tây Nguyên thường rơi vào tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Tùy vào từng khu vực mà sẽ có thời gian khu hoạch khác nhau, Gia Lai, Daklak, Đắk Nông thu hoạch từ giữa tháng 10 đến tháng 12, những vùng trồng trễ hơn sẽ thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. 

4.2. Các phương pháp thu hoạch cà phê

Vụ thu hoạch có lẽ là thời điểm rộn ràng nhất đối với người nông dân đây chính là thành quả sau gần 1 năm chăm sóc vun trồng của họ. Thu hoạch cà phê là thời điểm mà chất lượng cà phê đã đỉnh cao và mọi công đoạn sau đó là để giúp giữ chất lượng cà phê một cách tối đa nhất. 

Ở mỗi quốc gia sẽ có những cách thu hoạch riêng phù hợp với điều kiện và đặc điểm hình thái của cây cà phê ở đó. Thường sẽ có 2 phương pháp thu hoạch phổ biến là hái chọn lọc và hái tuốt.

4.2.1. Hái chọn lọc

Để chọn được chính xác 100% quả chín thì chỉ có cách thu hoạch hái chọn lọc. Việc hái chọn lọc là việc chọn hái chỉ bao gồm những quả chín có chất lượng đồng đều nhau. Trong một mùa vụ, mỗi cây có thể chia ra nhiều đợt hái để chọn lọc được trái đủ độ chín. 

Những sản phẩm cà phê chất lượng cao thường sẽ dùng cách thu hoạch này, chỉ riêng ở một vài quốc gia như Brazil, Hawaii, Úc là trường hợp ngoại lệ vì chi phí lao động ở đây khá đắt đó nên chuyện sử dụng hái chọn lọc bằng bàn tay con người là chuyện không tối ưu về chi phí. 

4.2.2. Hái tuốt (tước)

Thu hoạch thủ công kiểu hái tuốt là cách chỉ cần loại bỏ tất cả các quả cà phê có trên cành bất kể mức độ chín nào. Với cách thu hoạch này thường chỉ có một đợt thu hoạch  trong mùa vụ. Người ta sẽ thả trực tiếp các quả cà phê xuống đất, nơi đã được trải sẵn các tấm bạt nhựa. 

Với cách hái tuốt thì việc lựa chọn thời điểm thu hoạch rất quan trọng, tỷ lệ cà phê chưa chín phải trong mức độ khuyến nghị.

Để hiểu hơn về các cách chế biến cà phê, bạn tham khảo thêm “TẤT TẦN TẬT” VỀ CÀ PHÊ ROBUSTA – PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN CÀ PHÊ

Nguồn: Tham khảo từ Internet

Nội dung bài viết