Tổng hợp các dụng cụ pha cà phê phù hợp với các phương pháp pha chế phổ biến hiện nay (Phần II)

Tổng hợp các dụng cụ pha cà phê phù hợp với các phương pháp pha chế phổ biến hiện nay (Phần II)

Ngân Thảo
Th 5 21/12/2023
Nội dung bài viết
Ngoài phương pháp ngâm ủ cà phê đã được giới thiệu ở Phần 1, thì phương pháp pha cà phê bằng áp lực/ áp suất là một trong những phương pháp pha được sử dụng rộng rãi hiện nay trên thế giới. Đặc biệt là máy pha cà phê espresso, với sự nhanh gọn và tiện lợi cho ra tách cà phê tinh khiết, vẫn giữ được hương vị nguyên bản của cà phê. 
Tìm hiểu xem Phương pháp pha cà phê bằng áp suất là gì? Và các công cụ dụng cụ pha cà phê phù hợp với phương pháp pha này nhé!

1. Phương pháp pha cà phê bằng áp lực/ áp suất

Phương pháp pha cà phê sử dụng áp suất/ áp lực là phương pháp sử dụng nguyên lý lấy áp suất là đòn bẩy để chiết xuất cà phê nhanh và mạnh hơn.

Nhắc đến phương pháp pha cà phê bằng áp suất thì bạn liền nghĩ ngay đến espresso đúng không? Đúng là Máy pha espresso là dụng cụ phổ biến nhất của phương pháp pha này. Không những thế, đối với phương pháp pha này còn có các công cụ dụng cụ khác như Moka Pot, Aeropress, máy pha espresso thủ công.

1.1. Ấm pha cà phê Moka Pot

Moka Pot là phương pháp khá dễ để sử dụng và bền bỉ vì thế được phổ biến rộng rãi ở Châu Âu và Mỹ La Tinh. Nguyên lý hoạt động của ấm Moka Pot không quá phức tạp, nước trong ấm được đun đến khi sôi và bốc hơi tạo thành áp suất để đẩy nước chảy ngược lên lớp bột cà phê ở bình phía trên, sau 1 khoảng thời gian là bạn đã có ngay một ly cà phê mang hương vị nguyên bản, đậm đà.

Ấm pha cà phê Moka Pot có cấu tạo rất đơn giản bao gồm:

  • Phần trên của ấm là nơi chứa cà phê được pha xong
  • Bình chứa nước
  • Phễu lọc cà phê
  • Ron cao su nối giữa phần trên của ấm và bình đựng nước
  • Van an toàn

Áp suất khi pha chế cà phê bằng ấm Moka Pot thường thấp hơn nhiều so với máy pha cà phê espresso (9 bar) hiện nay. Áp suất chiết xuất cà phê của Moka Pot thường chỉ đạt khoảng 1,5 bar.

Bạn thích thưởng thức tách cà phê đậm đà, có vị đắng mạnh thì cà phê Robusta là lựa chọn hàng đầu để thưởng thức tách cà phê đúng gu. Còn ngược lại, nếu bạn thích tách cà phê có vị chua nhẹ, mang hương trái cây, đắng nhẹ thì hãy chọn Arabica nhé.

Ấm pha cà phê Moka Pot

 

Ấm pha cà phê Moka Pot

Hướng dẫn sử dụng ấm pha cà phê Moka Pot:

Bước 1: Đổ đầy nước vào phần dưới của ấm (bình chứa nước). 

Bước 2: Cho cà phê đã xay vào phễu lọc, nén nhẹ để làm mịn bề mặt cà phê và đặt lên phần dưới đã chứa đầy nước của ấm.

Bước 3: Kiểm tra vị trí của đệm cao su đã đúng vị trí chưa và vặn chặt phần trên của ấm

Bước 4: Bắt đầu đun sôi bằng bếp (bếp ga, bếp điện, …) sau 2 – 4 phút bạn có thể nghe được tiếng rít là đã có thể thưởng thức tách cà phê được pha bằng Moka Pot đúng gu của mình rồi.

Những lưu ý khi pha cà phê bằng ấm Moka:

  • Hạt cà phê phải được rang vừa hoặc đậm và xay ở mức độ mịn vừa (không quá mịn như pha máy) để sau khi chiết xuất cà phê không bị lọt qua lưới lọc.
  • Lưu ý khi cho nước vào bình, lượng nước không vượt quá van an toàn để đảm bảo an toàn khi nước được đun sôi.
  • Khi làm mịn bề mặt cà phê bạn không nên nén quá chặt như pha máy, để đảm bảo vẫn có kẽ hở cho nước chảy ngược lên và tránh trường hợp xấu nhất là Moka Pot phát nổ.
  • Bạn nên cân nhắc sử dụng nước ấm để đun, vì khi sử dụng nước ở nhiệt độ thường thì thời gian chiết xuất lâu dẫn đến cà phê sẽ có vị đắng hơn.

Điểm mạnh:

  • Thích hợp uống tại nhà hoặc mang đi du lịch, cắm trại vì ấm dễ dàng vệ sinh và có thể đun ở bất kỳ bếp nào.
  • Ấm Moka Pot được làm bằng kim loại, nên có độ bền và chịu nhiệt cao, chịu va đập tốt.
  • Dễ dàng sử dụng.
  • Cà phê sau khi pha sẽ có vị như pha máy, có giá thành hợp lý.

Điểm yếu:

  • Phải canh chỉnh nhiệt độ và độ xay cà phê để tách cà phe sau khi pha có vị phù hợp.
  • Sẽ có xuất hiện một chút ít cặn cà phê, tuy nhiên không đáng kể.

1.2. Dụng cụ nén cà phê bằng tay Aeropress

Nguyên lý hoạt động của dụng cụ nén cà phê này rất đơn giản chỉ thông qua quá trình nén xi lanh tạo thành áp suất bên trong đẩy nước thẩm thấu qua cà phê, cuối cùng là qua lớp giấy và khay lọc là đã cho ra tách cà phê ưng ý.

Aeropress bao gồm các bộ phận cơ bản như sau:

  • Plunger (dụng cụ ấn xuống) luôn đi đôi với Chamber (ống đựng cà phê) 
  • Van cao su (Seal) gắn vào Plunger tạo độ bám dính và làm nên áp suất khi ấn xuống
  • Khay lọc (Filter cap) là nơi chưa giấy lọc và gắn vào Chamber ở phía dưới
  • Phễu dùng để đổ cà phê bột vào Chamber (Funnel)
  • Filter holder là khay đựng giấy lọc và còn có công dụng khác là có thể tham gia vào việc ấn Plunger
  • Giấy lọc
  • Thìa múc cà phê (Scoop) có định lượng khoảng 18gram
  • Dụng cụ để khuấy (Stirrer) khi rót nước vào Chamber.

Aeropress được làm bằng chất liệu nhựa ABS và có thiết kế đơn giản dễ sử dụng nên được nhiều người ưa chuộng. Là dụng cụ được nhắc đến đầu tiên khi muốn pha cà phê tại nhà, đi du lịch, … theo tiêu chí nhanh – gọn – lẹ.

Dụng cụ nén cà phê bằng tay Aeropress

 

Dụng cụ nén cà phê bằng tay Aeropress

Các bước thực hiện pha cà phê bằng Aeropress:

Bước 1: Lắp giấy lọc vào khay lọc (Filter cap) và tráng qua bằng nước nóng để giấy bám vào khay chắc chắn hơn. Bên cạnh đó việc này cũng giúp loại bỏ mùi giấy tránh ảnh hưởng đến hương vị cà phê. Sau khi tráng, lắp Filter Cap vào Chamber.

Bước 2: Lắp lần lượt các bộ phận lại với nhau (Chamber, Seal, Plunger). Trong quá trình lắp bạn nên làm ấm các bộ phận bằng cách tráng sơ qua nước nóng. Đặt lên ly

Bước 3: Cho cà phê vào bình, đổ từ từ nước nóng từ 88 – 96 độ C vào. Khuấy đều

Bước 4: Sau khoảng thời gian từ 1.5 – 2.5 phút, dùng lực ấn từ từ Plunger xuống đáy để chiết xuất cà phê.

Bước 5: Sau khi toàn bộ cà phê đã được đẩy xuống ly, là quá trình pha cà phê bằng Aeropress đã kết thúc. Thưởng thức ly cà phê và vệ sinh bình nén Aeronpress thôi nào.

Những lưu ý khi sử dụng bình nén cà phê bằng tay Aeronpress:

  • Khi pha chế, bạn có thể lật ngược bình Aeronpress lại để cà phê không bị chảy qua lưới lọc xuống ly trong quá trình chiết xuất.
  • Tỷ lệ cà phê và nướ thích hợp cho dụng cụ pha chế này thường là 1:10 – 1:13
  • Cà phê nên được xay ở mức độ vừa và mịn (nhưng không quá mịn bằng pha bằng máy espresso). Nếu quá mịn cà phê sẽ ra vị đắng hoặc vị chua không mong muốn.
  • Phải làm ướt giấy lọc thật kỹ trước khi pha chế sẽ tạo nên sức căng bề mặt của khay lọc, giúp hạn chế nước chảy qua khay lọc trước khi cà phê được chiết xuất.
  • Nên chia thành nhiều lần rót nước để dễ dàng kiểm soát hương vị bạn muốn.

Điểm mạnh:

  • Đây là dụng cụ có thiết kế nhỏ gọn và chất liệu bằng nhựa ABS nên không chỉ sử dụng tại nhà mà còn dễ dàng mang đi du lịch hay cắm trại.
  • Cà phê sau khi được chiết suất có hương vị phức hợp và dễ dàng điều chỉnh hương vị thông qua độ rang, độ xay, nhiệt độ nước, thời gian blooming hay thời gian plunger.
  • Dễ dàng sử dụng cho người mới bắt đầu, tuy nhiên nếu muốn tự do điều chỉnh về hương và vị thì bạn nên sử dụng nhiều lần để tinh chỉnh hương vị bạn mong muốn.
  • Quá trình vệ sinh cũng không tốn nhiều thời gian.

Điểm yếu:

  • Vì là chất liệu bằng nhựa nên nhìn bề ngoài có vẻ không được chắc chắn và sạch sẽ.
  • Cần phải sử dụng thêm giấy lọc khi sử dụng dụng cụ Aeropress này.
  • Và điều cuối cùng là bạn phải sử dụng lực nén Plunger để tạo áp suất. Nên phải yêu cầu bạn có một chút sức mạnh.

1.3. Máy pha cà phê espresso

Nhắc đến phương pháp pha cà phê bằng áp suất, bạn không thể nào không nhắc đến máy pha cà phê espresso. Một trong những công cụ pha cà phê espresso phổ biến nhất.

Nguyên lý hoạt động của máy pha cà phê espresso cũng không quá phức tạp và cầu kỳ, chỉ cần bạn nắm rõ cách thức hoạt động, các thông số của máy để vận hành một cách trơn tru. Khi bấm nút bắt đầu pha thì nước lạnh sẽ đưa vào máy pha sẽ đi qua máy bơm. 

Motor trong máy bơm tạo ra áp lực nước từ 8.3 – 9.3 bar (bạn có thể quan sát đồng hồ đo áp suất trên máy). Tiếp theo, nước sẽ đi qua nồi hơi và được đun nóng đến 120 độ C. Khi nhiệt độ và áp suất trong nồi đạt mức độ tiêu chuẩn, máy pha cà phê sẽ tự động ngắt việc đun nóng để đảm bảo nhiệt độ và áp suất để cho ra tách cà phê đúng gu bạn nhất.

Khi sử dụng máy pha cà phê bạn cần trang bị các thiết bị sau:

  • Máy pha cà phê 
  • OCD (dùng để dàn đều bột trước khi pha)
  • Tamper (dùng để nén bột cà phê trước khi pha)
  • Ca đánh sữa (Nếu cần phải làm các món cappuccino, latte)

Hiện nay, máy pha cà phê có 2 loại chính là máy pha cà phê tự động và máy pha cà phê bán tự động. Đối với máy pha cà phê bán tự động thường được sử dụng ở quán phổ biến là máy 1 group và máy 2 group.

Máy pha cà phê espresso

 

Máy pha cà phê espresso

Khi sử dụng bạn nên tìm hiểu và luyện tập trước để hiểu rõ các nút điều khiển, tính năng của máy để biết cách sử dụng để đưa ra ly cà phê thơm ngon đúng vị của mình nhất nhé!

Tham khảo: Một số sản phẩm máy pha cà phê Espresso

Các bước thực hiện pha một tách cà phê espresso bằng máy pha cà phê:

Bước 1: Dùng tay cầm (portafilter) lấy cà phê đã xay từ máy xay cà phê

Bước 2: Làm phẳng bề mặt cà phê bằng cách dùng OCD

Bước 3: Sử dụng Tamper để nén cà phê vừa tay, không bị chặt quá hoặc lỏng quá. Nén từ trên xuống vuông góc với bề mặt để cà phê không bị lệch khi nén

Bước 4: Lắp tay cầm (portafilter) vào trong đầu pha (Group head), đặt ly dưới vòi chảy và bắt đầu bật công tắc.

Bước 5: Sau khoảng 25 – 30 giây sẽ chiết suất ra được một tách cà phê espresso ưng ý

Những lưu ý khi pha cà phê bằng máy pha espresso:

  • Cà phê phải được xay mịn để chiết xuất được ly cà phê có đầy đủ hương vị. Nếu xay quá thô, cà phê không được chiết xuất hết dẫn đến cho ra tách cà phê có vị chua, thiếu mùi vị, body sẽ bị yếu. Còn nếu bạn xay quá mịn sẽ làm cho lúc chiết xuất cà phê sẽ bị tắt nghẽn, cà phê bị cháy làm cho ly cà phê bị cho ra có mùi khét.
  • Trước khi pha chế, bạn nên bật máy lên tầm 30 phút để máy có thời gian để làm nóng.
  • Bạn nên tìm hiểu thật kỹ các thông số về kích thước xay, độ rang, lượng cà phê, thời gian chiết xuất và các cách hoạt động của máy để có thể đưa vào kinh doanh quán.
  • Thông thường nhiệt độ pha tách cà phê bằng máy espresso từ 85 – 94 độ C và áp suất từ 8.3 – 9.3 bar.
  • Làm ấm tách đựng cà phê, làm sạch portafilter để sau khi pha cà phê vẫn giữ được hương vị mà không bị thay đổi quá nhiều.

Điểm mạnh:

  • Thời gian chiết xuất nhanh, chỉ từ 25 – 30 giây là bạn có một tách espresso để thưởng thức. Tiết kiệm thời gian và công sức cho người sử dụng.
  • Vệ sinh bã cà phê dễ dàng.
  • Thiết kế hiện đại, sang trọng.
  • Dễ dàng điều chỉnh hương vị bạn mong muốn thông qua độ xay, tỷ lệ nước và thời gian chiết xuất.

Điểm yếu:

  • Các máy pha cà phê bán tự động (1 group, 2 group) thường có giá thành khá cao, nên thích hợp cho đối tượng là các quán cà phê.
  • Thường xuyên vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ để duy trì tuổi thọ của máy.
  • Đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức về máy pha cũng như các thông số cần thiết để cho ra tách cà phê ngon.
  • Tốn khá nhiều điện để hoạt động.

1.4. Máy pha cà phê espresso thủ công – Flair

Máy pha cà phê espresso thủ công có thiết kế nhìn rất đơn giản nhưng có cấu tạo chắc chắn và khả năng tạo áp suất lý tưởng để pha espresso không thua kém gì máy pha cà phê espresso.

Cấu tạo của máy pha cà phê espresso thủ công mang thương hiệu Flair bao gồm:

  • Đồng hồ đo áp suất
  • Bộ lọc, buồng chứa nước
  • Tay nén
  • Khoang nén pít tông
  • Tamper

Dụng cụ pha cà phê espresso thủ công – Flair

Dụng cụ pha cà phê espresso thủ công

Hướng dẫn sử dụng máy pha espresso thủ công:

Bước 1: Làm nóng bộ lọc và buồng chứa nước bằng nước nóng

Bước 2: Đổ đầy cà phê vào bộ lọc và dùng tamper nén vừa phải

Bước 3: Lắp bộ lọc và buồng chứa nước lại. Cho nước nóng có nhiệt độ từ 92 – 95 độ C

Bước 4: Lắp vào khoang nén, đặt cốc vào và bắt đầu nén

Bước 5: Sau 25 - 45 giây, hãy thưởng thức ly cà phê espresso tuyệt ngon của bạn.

Những điều lưu ý khi pha cà phê bằng máy nén cà phê espresso thủ công - Flair:

  • Cà phê sử dụng cho máy này phải được xay mịn nhưng không mịn bằng cà phê sử dụng cho máy pha cà phê espresso.
  • Bạn phải làm nóng bộ lọc và buồng chứa nước để đảm bảo hương vị cà phê sau khi chiết xuất không bị thay đổi.
  • Dùng lực tay tương đối để dễ dàng điều chỉnh áp suất như mong muốn nhé!

Điểm mạnh:

  • Gọn nhẹ, dễ dàng tháo lắp và mang đi khắp nơi. Sử dụng tại nhà hoặc mang đi du lịch, cắm trại rất thuận tiện.
  • Dù không sử dụng điện nhưng vẫn cho ra ly espresso không thua kém gì máy pha cà phê thông thường.
  • Giá thành không quá đắt nếu bạn muốn thưởng thức tách espresso tại nhà.
  • Không sử dụng điện năng.
  • Có tích hợp đồng hồ đo áp suất giúp bạn dễ dàng quan sát và điều chỉnh lực nén.

Điểm yếu:

  • Phải sử dụng lực tay để tạo áp suất.
Kết luận:
Phương pháp pha cà phê bằng áp lực/ áp suất sử dụng nguyên lý rất đơn giản nhưng bạn phải nắm rõ các bước và cách thực hiện, để đảm bảo ly cà phê của bạn đạt được chất lượng hoàn hảo và vẫn giữ được hương vị nồng nàn, nguyên bản.
Tìm hiểu thêm công cụ dụng cụ phù hợp với phương pháp pha nhỏ giọt để biết thêm nhiều cách pha hấp dẫn khác.
Nội dung bài viết